Giáo dục Tiếng Việt tại Hoa Kỳ

Các nhà nghiên cứu tìm thấy một mối liên hệ giữa khả năng sử dụng tiếng Việt và học lực ở các học sinh gốc Việt. Một cuộc khảo sát năm 1995 với học sinh trung học người Việt ở New Orleans cho thấy học sinh với trình độ tiếng Việt cao hơn có thành tích học tập tốt hơn dù trong trường chỉ dùng tiếng Anh.[54] Theo các nhà nghiên cứu Bankston và Zhou, kỹ năng tiếng Việt gắn liền với việc tự nhận mình là người Việt, khiến học sinh cảm thấy gắn kết hơn với người lớn cùng chủng tộc, tạo ra một hệ thống nâng đỡ trong xã hội, góp phần nâng cao thành tích học tập. Các nghiên cứu này cho thấy nếu phụ huynh cho con em học các lớp học Việt ngữ chẳng những sẽ giúp tăng khả năng sử dụng tiếng Việt mà còn sẽ tăng thành tích học tập của các con em.[54]

Trường Việt ngữ cộng đồng

Các trường Việt ngữ cộng đồng đã được thành lập từ cuối thập niên 1970. Các lớp học thường được tổ chức tại các nhà thờ, chùa chiền và các địa điểm khác vào những ngày cuối tuần. Nhân viên của các trường thường là tình nguyện viên, và trường thường miễn học phí hoặc thu học phí với giá thấp.[55]

Trong năm 1998, tại miền Nam California đã có 8.000 học sinh ghi danh học tại 55 trường Việt ngữ cộng đồng.[55] Theo một cuộc khảo sát của chính phủ Việt Nam, vào năm 2009 thì tại nước Mỹ đã có hơn 200 cơ sở, trung tâm dạy tiếng Việt, mỗi trung tâm có từ 100–1.000 học sinh. Riêng California có 16.000 học sinh học tại 86–90 trung tâm, với khoảng 1.600 giáo viên tham gia giảng dạy.[56] Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California (TAVIET) đại diện cho hơn 100 trường Việt ngữ ở miền Nam California.[14] Các trường phối hợp để thống nhất phương pháp giảng dạy, in sách vở thay vì sử dụng sách giáo khoa từ Việt Nam.[14] Ngoài ra, Trung Tâm Tài Liệu Quốc Gia về Ngôn Ngữ Châu Á (NRCAL) tại Đại học Tiểu bang California tại Fullerton cũng soạn tài liệu dựa vào trải nghiệm của người Mỹ gốc Việt, nhạy cảm hơn với văn hóa cộng đồng và theo nhu cầu của cộng đồng.[14]

Trong một cuộc khảo sát trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở miền Nam California, tuy chỉ có 25% người Việt thế hệ thứ nhất gửi con em vào các trường Việt ngữ nhưng con số này đã lên đến 50% ở thế hệ 1.5 và thế hệ thứ hai.[57]

Trường chính quy

Việc giảng dạy bằng song ngữ tại California đã gặp trở ngại từ 1998 đến 2016, từ khi các cử tri của tiểu bang này thông qua một đạo luật đòi hỏi các lớp học chỉ được giảng dạy bằng tiếng Anh.[58] Mãi đến năm 2016, khi cử tri bãi bỏ đạo luật này thì các chương trình song ngữ mới được phát triển mạnh. Tại một số học khu ở những nơi có nhiều người Việt, trường học đã giảng dạy học sinh bằng song ngữ Việt-Anh, chủ yếu là cho học sinh tiểu học. Đến năm học 2016–2017, có bốn học khu toàn quốc dạy song ngữ Việt-Anh: học khu Westminster ở California, học khu Austin ở Texas, học khu Portland ở Oregon, và học khu Highline ở Quận King, Washington.[13] Tại Austin, giới chức cũng đang cân nhắc việc mở thêm lớp cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.[59] Học sinh trong các chương trình này chủ yếu là người Việt, nhưng cũng có học sinh từ các sắc tộc khác ghi danh.[13][59][60] Tại Westminster, học khu phối hợp với Đại học Tiểu bang California tại Fullerton để phát triển chương trình giảng dạy.[60] Đến năm 2021, các chương trình này đã được mở rộng thêm, đặc biệt là hai khu vực đông người Việt nhất là San Jose (các học khu Alum Rock và Franklin–McKinley)[61]Quận Cam thuộc California.[14] Tại Quận Cam thậm chí còn có lớp dạy tiếng Việt cho học sinh từ bậc mẫu giáo đến hết phổ thông cũng như có lớp song ngữ từ bậc tiểu học đến hết phổ thông.

Ngoài các trường tiểu học và trung học, một số đại học cũng có lớp dạy tiếng Việt và đôi khi cũng dạy lịch sử, văn học, và văn hóa Việt Nam.[14] Nỗ lực đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy đại học đã thành công tại nhiều nơi như Đại học Harvard, Đại học Tiểu bang Michigan, Đại học Cornell, Đại học Texas tại Austin, Đại học California tại Berkeley, Đại học California tại Los Angeles, Đại học Tiểu bang Arizona, Đại học Colorado. Tại Đại học California tại San Diego, các học sinh đã thành công duy trì chương trình tiếng Việt qua quyên góp và vận động từ cộng đồng sau khi thiếu hụt ngân sách dẫn đến nguy cơ cắt giảm chương trình. Ngoài ra, hàng năm hơn 300 giáo viên Việt ngữ được đào tạo tại Đại học Tiểu bang California tại Long Beach.[62]

Vai trò của chính phủ Việt Nam

Trong một cuộc phỏng vấn với báo VnExpress năm 2004, bà Tôn Nữ Thị Ninh, lúc đó là Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, đưa ý kiến về việc "có những cá nhân, tổ chức dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài, chứ không phải chờ đề án của nhà nước":

Nếu nhà nước mình không tạo điều kiện dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài thì xảy ra hai việc. Thứ nhất là những thế hệ sau này sẽ mất gốc Việt Nam hoàn toàn, không biết gì về văn hóa, ngôn ngữ nơi họ sinh ra. Thứ hai hiện giờ ở nhiều nơi, các phần tử phản động cũng tổ chức lớp tiếng Việt. Một số cha mẹ Việt kiều muốn con mình đừng quên tiếng Việt đành nhắm mắt để con đi học những lớp dạy tiếng Việt và bị lồng cả chính trị vào. Nói cách khác, đất trống nhà nước mình không xuất hiện, mà bỏ ngỏ thì thế hệ thứ hai và con nuôi người Việt sẽ không biết gì về Việt Nam, hoặc có thể đến với những tổ chức phản động.
— Tôn Nữ Thị Ninh, 2004[63][64]

Trong nhiều năm, chính phủ Việt Nam đã có nhiều đề xuất đưa giáo viên ra hải ngoại để dạy tiếng Việt; vào năm 2004 Bộ Chính trị đã có dự án chi ra khoảng 500.000 USD để thực hiện điều này. Dự án nhằm nghiên cứu tình trạng giảng dạy tiếng Việt tại các cộng đồng hải ngoại và biên soạn giáo trình, in ấn sách vở, và tổ chức các lớp học trong cộng đồng. Có báo cáo cho rằng dự án này khó mà thực hiện được, vì thực trạng các lớp học do chính quyền Việt Nam đài thọ trong bối cảnh phương Tây sẽ lập tức bị tẩy chay và phản đối.[65] Các quan chức chính quyền đã liên lạc với người Việt làm việc trong lĩnh vực hàn lâm ở nước ngoài để đề nghị hỗ trợ tài chính cũng như các lĩnh vực khác để biên soạn giáo trình và tổ chức lớp học. Các lớp học này được dự tính sẽ đưa ra các tài liệu dạy học "trung lập" để "cập nhật" tiếng Việt "lỗi thời" đang được sử dụng ở trong các cộng đồng hải ngoại, đưa một ít chất chuyên nghiệp vào các lớp học, và tạo ra một diễn đàn phi chính trị khác với các lớp học cộng đồng ở hải ngoại. Tuy nhiên, với các khó khăn trong việc đưa các tài liệu giảng dạy tiếng Việt do chính quyền tài trợ vào các cộng đồng hải ngoại, việc này chỉ thực hiện khả thi nhất qua các phương tiện điện tử (Internet và truyền hình vệ tinh).[65]

Năm 2010, Mỹ là một trong 6 nước thí điểm để chính phủ Việt Nam thực hiện dự án dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Nhân dịp này, đại diện của chính phủ cho rằng một thách thức đối với "những người đang tham gia vào công cuộc giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài" là "sự tranh giành ảnh hưởng giữa các cơ sở dạy tiếng Việt ở bên ngoài".[66]

Từ năm 2005, chính phủ Việt Nam đã bắt đầu biên soạn giáo trình để dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài. Đến năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho tái bản hai bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt cho mục đích này.[67]

Việc sử dụng tài liệu từ chính quyền Việt Nam để giảng dạy tiếng Việt là một vấn đề ít được hoan nghênh trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Những người chỉ trích cho rằng tài liệu của chính quyền Việt Nam sẽ không phù hợp với trẻ em gốc Việt tại Mỹ, và không đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh để dạy dỗ con em về việc tại sao họ phải bỏ nước ra đi.[68] Năm 2015, thị trưởng thành phố Westminster Tạ Đức Trí lên tiếng báo động về một quyển sách giáo khoa sử dụng rộng rãi tại các trường học công lập tại Hoa Kỳ, vì trong đó dùng những từ ngữ "trong nước" như "đăng ký hộ khẩu" và "đăng ký kết hôn" và thậm chí còn có hình cờ đỏ sao vàng trong hình con tem.[69] Việc này bị xem là bằng chứng của việc "dùng tài liệu Cộng sản để dạy tiếng Việt."[70][71]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tiếng Việt tại Hoa Kỳ http://www.kvue.com/news/education/aisd-vietnamese... http://www.nytimes.com/2012/10/19/us/politics/more... http://viendongdaily.com/dai-vnatv-573-co-them-2-b... http://viethocjournal.com/2020/07/ngon-ngu-nguoi-v... http://www.seasite.niu.edu/jsealt/Vol12Fall2006/Ar... http://www.bsa.ca.gov/pdfs/reports/2010-106.pdf#pa... //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32750283 //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7893523 http://web.archive.org/web/20210507092049/https://... //doi.org/10.1044%2F2019_AJSLP-19-00146